Trong suốt 13 năm qua, Apple đã không thể biến Siri thành một trợ lý ảo thực sự thông minh. Bị ràng buộc bởi những nguyên tắc nghiêm ngặt về quyền riêng tư, Siri gặp khó khăn trong việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, điều mà các đối thủ cạnh tranh đã làm rất tốt.
Để Siri có thể trở thành một trợ lý ảo thông minh thực sự, Apple cần phải xem xét lại quan điểm của mình về quyền riêng tư. Ảnh: Landian News.
Apple Intelligence đang dần trở thành một trong những công nghệ gây thất vọng nhất của hãng. Được giới thiệu tại Hội nghị các nhà phát triển WWDC vào tháng 6/2024, hệ thống AI này đã được triển khai trên dòng iPhone 16 vào tháng 10 và trên iPhone 15 Pro.
Mặc dù có những tính năng ban đầu như công cụ hỗ trợ viết email, tóm tắt nội dung cho người dùng bận rộn, hay trình tạo emoji bằng AI được giới thiệu vào tháng 12, nhưng chúng không tạo được tiếng vang như mong đợi. Đặc biệt, phiên bản Siri mới vẫn chưa xuất hiện.
Trong khi Amazon đã cho ra mắt Alexa+ với nhiều cải tiến đáng kể, Siri vẫn chưa thể hiện được sự tiến bộ. Ban đầu, Apple dự kiến ra mắt Siri mới vào tháng 4, nhưng đã hoãn lại đến tháng 5 và gần đây, theo thông tin từ Bloomberg, thời điểm ra mắt đã bị hoãn vô thời hạn. Siri không hoạt động như kỳ vọng.
Khởi đầu đầy hứa hẹn nhưng hiện tại thất vọng
Khi Apple quảng bá Apple Intelligence cho người dùng iPhone vào năm ngoái, Siri chỉ được coi là một “bản mẫu gần như không thể sử dụng được”. Một tính năng lẽ ra dành cho iPhone 16 giờ có thể sẽ phải chờ đến iPhone 17.
Với một công ty có giá trị hàng nghìn tỷ USD, thật khó tin khi khoảng cách giữa lời hứa và thực tế lại lớn đến vậy. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử của Siri, câu chuyện này không phải là điều mới mẻ, Wired nhận định.
Tháng 10/2011, Apple lần đầu tiên giới thiệu Siri như một tính năng chủ đạo trên iPhone 4S. Lúc đó, trợ lý ảo này đã đi trước Amazon Echo (ra mắt năm 2014) và chỉ một ngày trước khi Steve Jobs qua đời, tức là chưa đầy 2 tháng sau khi ông từ chức CEO.
Khi Siri lần đầu xuất hiện, nó được giới thiệu như một sản phẩm mang tính cách mạng. Ảnh: Bloomberg.
Video giới thiệu Siri khi đó trông giống như một phép màu công nghệ. Người dùng có thể giao tiếp tự nhiên với trợ lý ảo mà không cần phải suy nghĩ về cách diễn đạt và nhận được câu trả lời chính xác, có ngữ cảnh. Tuy nhiên, sau 13 năm, giấc mơ ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Apple hy vọng rằng Apple Intelligence sẽ giúp Siri trở nên thông minh hơn, tương tự như cách các chatbot hiện đại hoạt động. Theo hãng, Siri sẽ có khả năng hiểu ngữ cảnh cá nhân, thực hiện hành động trên nhiều ứng dụng và có kiến thức sâu rộng về thiết bị của người dùng. Đây được xem là “khởi đầu của một kỷ nguyên mới”.
Tuy nhiên, với những ai đã từng trải nghiệm Siri từ năm 2011, lời hứa này chỉ càng gợi lại những khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế. Ít ai biết rằng, Siri ban đầu không phải là sản phẩm của Apple.
Cơ duyên Siri đến tay Apple
Siri được phát triển bởi SRI International (Stanford Research Institute) và DARPA – cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ban đầu, Siri là một ứng dụng độc lập trên iPhone. Sau đó, Apple đã mua lại vào năm 2010 với giá hơn 200 triệu USD.
Video về phiên bản Siri gốc vẫn có thể tìm thấy trên YouTube. Khi đó, đồng sáng lập Siri Tom Gruber đã thử nghiệm bằng cách yêu cầu Siri tìm một nhà hàng Italy lãng mạn gần văn phòng. Không chỉ hiển thị kết quả, Siri còn giúp đặt bàn, tất cả chỉ bằng giọng nói.
Steve Jobs tin rằng Siri là một tương lai tất yếu. “Đây là thương vụ cuối cùng của Steve. Ông ấy tham gia vào mọi giai đoạn, từ đàm phán đến đảm bảo chúng tôi thành công tại Apple sau khi được mua lại”, Gruber chia sẻ với Wired.
Tuy nhiên, một số giám đốc điều hành của Apple thời đó lại có cái nhìn khác về Siri. Họ cho rằng đây là một sản phẩm chưa bao giờ thực sự sẵn sàng.
Siri năm 2011 từng được quảng bá là một bước nhảy vọt trong số các trợ lý giọng nói, nhưng rồi bị Google Assistant bỏ xa. Ảnh: Bloomberg.
Richard Williamson, cựu lãnh đạo Apple, từng nhận xét vào năm 2017: “Thứ chúng tôi mua về chỉ là một bản demo có thể chạy tốt với vài người, nhưng hoàn toàn không thể mở rộng ra hàng triệu người dùng. Siri lúc đó chẳng có AI nào cả, chỉ là một mớ hỗn độn. Nó cực kỳ dễ bị đánh lừa. Không có xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), không có ngữ cảnh, chỉ đơn thuần là tìm kiếm từ khóa”.
Siri ban đầu không thể đáp ứng được kỳ vọng. Nhưng đáng lo ngại hơn là Siri của năm 2025 dù đã được tích hợp AI tiên tiến vẫn tiếp tục vấp phải những vấn đề tương tự.
Hai nửa của Siri mới
Trong khi các chatbot AI ngày càng phổ biến, Apple lại không thể khiến Siri hoạt động như mong đợi. Nguyên nhân lớn nhất có thể nằm ở triết lý cốt lõi của công ty là quyền riêng tư.
Các hệ thống như Alexa hay ChatGPT hoạt động hiệu quả vì chúng thu thập lượng lớn dữ liệu từ người dùng. Nhưng Apple lại khác. “Apple coi quyền riêng tư là nguyên tắc thiêng liêng. Nếu họ thực sự đặt quyền riêng tư lên hàng đầu, họ sẽ gặp xung đột lợi ích khi phát triển AI”, Gruber nhận xét.
Siri luôn bị đánh giá là kém thông minh hơn Google Assistant. Đơn giản là vì nó biết ít hơn về người dùng. Giờ đây, vấn đề đó lại lặp lại với Siri thế hệ mới.
Theo Wired, Siri mới sẽ dựa trên 2 hệ thống, bao gồm một mô hình AI nhỏ chạy ngay trên iPhone và một mô hình lớn hơn từ OpenAI trên máy chủ. Người dùng sẽ phải cấp quyền để Siri gửi yêu cầu đến OpenAI.
Mô hình AI trên iPhone được cho là có khoảng 3 tỷ tham số, trong khi GPT4 của OpenAI có tới 1.800 tỷ, tức là lớn hơn 600 lần. Ngay cả DeepSeek, một AI nhỏ hơn nhiều, cũng có 671 tỷ tham số.
Mô hình AI chạy trên iPhone quá nhỏ so với tiêu chuẩn hiện tại. Ảnh: NurPhoto.
Một mô hình nhỏ hơn có nghĩa là Siri sẽ bị giới hạn rất nhiều về khả năng hiểu ngữ cảnh và xử lý truy vấn phức tạp. Vậy Siri mới sẽ thực sự làm được gì trước khi phải “bó tay” và chuyển sang OpenAI? Liệu nó có khác gì những trợ lý ảo như Microsoft Copilot hay Amazon Alexa+ không?
Nhiều tính năng mà Apple hứa hẹn cho Siri nghe có vẻ quen thuộc như điều khiển cài đặt trên điện thoại. Nhưng đây là điều mà Bixby của Samsung đã làm từ 2017 và Bixby chưa bao giờ được xem là một lý do để mua điện thoại Galaxy.
Sau hơn một thập kỷ, Siri vẫn chưa thể thực sự thông minh. Nếu Apple không sẵn sàng hy sinh một phần quyền riêng tư để cải thiện khả năng học hỏi và hiểu biết của Siri, giấc mơ về một trợ lý ảo hoàn hảo có thể sẽ tiếp tục bị trì hoãn vô thời hạn, Wired kết luận.
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một “siêu trợ lý” thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức – Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.